ĐÂU LÀ NHỮNG “THỦ PHỦ BÁNH MÌ” NGON NỨC TIẾNG VIỆT NAM?
Bánh mì trở thành món ăn quen thuộc và độc đáo của Việt Nam. Vị ngon của bánh mì ở mỗi vùng miền không chỉ tạo nên nét riêng và ấn tượng cho thực khách mà còn thể hiện sự phong phú trong văn hóa ẩm thực người Việt.
1. Hà Nội
Thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ của nhiều tinh hoa văn hóa người Việt và còn từng đứng top đầu trong bảng xếp hạng những thành phố có nền ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới, nên đây cũng chính là “thủ phủ bánh mì” nức tiếng của Việt Nam với nhiều loại bánh mì thơm ngon đặc biệt.
Ghé thăm Hà Nội đừng quên thướng thức món bánh mì sốt vang thơm lừng nóng hổi mang hương vị độc đáo không đâu có được. Bạn cũng có thể nếm thử các món bánh mì khác như: bánh mì bít tết, bánh mì thịt xiên nướng, bánh mì kebab,… trên các con phố Cửa Nam, Lương Ngọc Quyến, Thái Thịnh, Hòe Nhai,… mỗi loại bánh mì đều có hương vị đặc trưng riêng biệt, cực kì hấp dẫn.
Ảnh: Toplist.vn
Thời gian gần đây, bánh mì chảo cũng trở nên nổi tiếng với giới trẻ với sự hấp dẫn của các nguyên liệu như pate, thịt bò (gà), trứng ốp la đặc việt là nước sốt được lấy ý tưởng từ các suất bít tết kiểu Tây thơm ngon lạ miệng, có sự hòa quyện dễ nghiền cho bất cứ ai chỉ nếm thử lần đầu.
2. Hải Phòng
Nhắc đến bánh mì Hải Phòng, người ta nghĩ ngay đến bánh mì que trứ danh trở thành tinh hoa ẩm thực của mảnh đất này. Bánh mì que hay còn được gọi là bánh mì cay được bán từ những năm 80 với phần nhân đơn giản: chút pate và rau thơm khiến không ít thực khách mê mẩn. Những chiếc bánh mì chỉ bé bằng 2 ngón tay được nướng trên bếp than, giòn ngon và nóng ăn kèm chút tương ớt đặc biệt sẽ hấp dẫn thêm bội phần. Bánh mì cay khá rẻ chỉ có giá tầm 2.000-3.000 đồng/chiếc.
Ảnh: Kenh14
3. Hội An
Ai đã ghé thăm Hội An mà không thưởng thức bánh mì Phượng và bánh mì Madam Khánh là một sự thiếu sót rất lớn bởi nơi đây đã quá nổi tiếng và không ngớt lời ca ngợi.
Ảnh: Vua Khuyến Mãi
Bánh mì Hội An có chút khác biệt ở hình dáng thon, hai đầu nhọn, vỏ cũng giòn và cứng hơn so với bánh mì ở các nơi khác. Phần nhân là sự tổng hòa của nhiều nguyên liệu tự làm theo phương pháp truyền thống của từng gia đình nên giữ được hương vị đặc trưng, riêng biệt.
Bánh mì Hội An gây ấn tượng từ hình dáng của bánh mì với hai đầu thon gọn, lớp vỏ giòn rụm đến phần nhân ngập thịt được tẩm ướp đậm đà kèm với trứng ,rau thơm cùng nước sốt khiến bánh mì nơi đây có hương riêng biệt, hoàn hảo.
4. Đà Lạt
Không khí se lạnh của Đà Lạt cộng hưởng thêm hương vị thơm phức và cay tê tê đầu lưỡi của bánh mì chấm nước sốt xíu mại nóng hổi quả thật là tuyệt vời.
Ảnh: Du lịch Đà Lạt
Khác với các loại bánh mì thông thường phần nhân được kẹp phía trong, ở Đà Lạt mỗi phần ăn được bày trong chén hoặc đĩa sâu lòng với nước súp sền sệt, xíu mại, chả que, da heo và chút hành lá rắc phía trên. Bánh mì chấm cùng lớp nước sốt và ăn kèm từng viên xíu mại sẽ mang đến trọn vẹn hương vị ẩm thực và cả nét đẹp của thành phố ngàn hoa – Đà Lạt.
5. Nha Trang
Không giống bánh mì ở những nơi khác, bánh mì Nha Trang mang nét địa phương của riêng “thành phố biển” này với công thức không một chút bơ nào, vỏ giòn và ruột rỗng còn hơn cả bánh mì Sài Gòn phiên bản gốc.
Ảnh: Tin tức Khánh Hòa
Đã đến đây, bạn phải nếm thử bánh mì chả cá cực kì đặc biệt ở Nha Trang. Chả cá làm từ nạc basa hay cá thu với chút gia vị, thái sợi vừa rồi chiên ngập dầu cho vàng rụm và thơm lừng, kẹp với bánh mì và rau dưa. Tương ớt cùng ớt tươi được kết hợp nhằm làm tăng hương vị nồng ấm, đồng thời cũng át cái tanh của cá và làm dậy mùi thơm vô cùng.
6. Thành phố Hồ Chí Minh
Đâu đâu trong Sài Gòn cũng bắt gặp những quán bán bánh mì và nơi đây trở thành “quê hương” của món bánh mì kẹp thịt kiểu Việt Nam. Họ đã “biến hóa” những chiếc bánh mì kiểu Pháp thành những chiếc bánh mì bình dân, phù hợp với văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Bánh mì kẹp thịt nướng được ưa chuộng nhất tại Sài Gòn với cách thức chế biến đơn giản: vài lát thịt nướng vàng, thêm chút rau thơm và nộm, không quên rưới lên đó chút nước sốt cho ổ bánh mì thêm đậm đà.
Ngoài ra, bánh mì phá lấu cũng là món ăn rất thú vị ở Sài thành. Bạn có thể thưởng thức bánh mì với nước phá lấu giống như bánh mì sốt vang hoặc có thể kẹp phá lấu khô trong nhân bánh. Phá lấu ở đây đa dạng: phá lấu gan, thịt, trứng,…hương vị của nước phá lấu đậm đà, chút cay cay của ớt và ăn kèm rau thơm khiến món bánh mì trở nên đậm đà khó cưỡng.
Nguồn: tổng hợp