NHỮNG LỄ HỘI ĐỘC ĐÁO KHÔNG THỂ BỎ QUA TẠI HƯNG YÊN
Hưng Yên không chỉ gây “thương nhớ” với du khách bởi những món ăn đặc sản độc đáo, riêng biệt không lẫn vào đâu được, bởi những cảnh đẹp thơ mộng của một làng quê yên bình, cánh đồng bát ngát, những đền chùa cổ kính cùng các làng nghề truyền thống mà còn bởi những lễ hội rộn ràng mang nét văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh gắn liền với nét văn hóa truyền thống của con người vùng đất này.
1. Lễ hội Chử Đồng Tử
Nguồn: www.vietnam-tourism.com
Lễ hội Chử Đồng Tử thường được tổ chức vào tháng 10 -12 âm lịch tại hai địa điểm chính là Đền Đa Hòa và đền Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
Lễ hội này còn được gọi là lễ hội tình yêu nhằm tôn vinh công lao của đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân đã có công giúp dân làng mở mang bờ cõi, chữa bệnh cứu người và tưởng nhớ tới một truyền thuyết về tình yêu bất tử.
Nét độc đáo trong lễ hội Chử Đồng Tử là nghi thức rước nước từ sông Hồng về lễ thánh. Theo tục lệ, nước được dùng để cúng phải là nước lấy ở giữa sông Hồng. Người đại diện cho dân làng lấy nước là cụ già có đức độ trong làng. Đám rước uy nghi, với rồng vàng dẫn đầu hội rước cờ, trống, phường bát âm, múa sênh tiền… Sau khi lấy nước ở sông Hồng về, các kiệu trở về đền hoá lễ thánh. Khắp trong ngoài khu đền, bà con, du khách gần xa nô nức trẩy hội. Sau khi lễ khai hội, nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi: các trò chơi dân gian, múa hát, tranh tài được tổ chức tại khu vực trong đền trong những ngày lễ hội.
Nguồn: Báo Mới
Lễ hội Chử Đồng Tử đã tái hiện một cách sinh động đời sống văn hóa của người Việt cổ vùng đồng bằng Châu thổ sông Hồng.
2. Lễ hội Phù Ủng – Ân Thị
Nguồn: Hưng Yên – Tintuc.vn
Lễ hội Phù Ủng được tổ chức từ 12 đến 15 tháng 1 âm lịch nhẳm tưởng nhớ tưởng quân Phạm Ngũ Lão, một danh tướng có công giúp nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên – Mông bảo vệ bờ cõi nước nhà. Lễ hội bao gồm phần lễ và phần hội kết hợp vừa trang trọng, tôn nghiêm vừa rộn ràng, tưng bừng.
Đây là lễ hội cấp tỉnh quản lý, được đầu tư, tổ chức với quy mô lớn thu hút hàng vạn lượt khách thập phương đến thăm quan trẩy hội. Trong lễ hội có các trò chơi dân gian như thi đấu vật, múa rối nước, hát trống quân, đặc biệt là chơi vật cù, nhẩy mô đống, tương truyền đây là môn thể thao do tướng quân Phạm Ngũ Lão nghĩ ra để rèn luyện thân thể, tăng cường sức khoẻ. Ngày 13 là ngày hội chính sẽ diễn ra các nghi lễ như: đại lễ, tế nội tán, ngoại tán, lễ hội được tổ chức sôi động với nghi lễ rước kiệu cung phi (công chúa Tĩnh Huệ) từ đền về lăng Phạm Tiên Công (trình ông) sau đó rước về đền Phạm Ngũ Lão (trình cha). Một nét đặc sắc trong lễ hội là khi rước người dân chui qua gầm kiệu với ước mong thực hiện được những điều mình ước. Lễ hội đền Ủng là một lễ hội lớn mở đầu cho lễ hội mùa xuân ở Hưng Yên.
Lễ hội đền Phù Ủng cũng là một trong lễ hội lớn trong các hoạt động văn hóa, lễ hội mùa xuân của tỉnh.
3. Lễ hội văn hóa dân gian vùng phố Hiến
Nguồn: Du lịch hưng yên
Diễn ra từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 3 Âm lịch hàng năm, lễ hội văn hóa vùng phố Hiến được tổ chức trong không khí rộn ràng, náo nhiệt tại các di tích lịch sử đền Mẫu, đền Trần, đình – chùa Hiến, đền Thiên Hậu, chùa Chuông, Văn Miếu,….. với sự tham gia của 12 xã, phường thuộc thành phố Hưng Yên.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Hưng Yên
Với việc phục dựng và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng, những trò chơi dân gian truyền thống, Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến đã tái hiện lại nếp sống, nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân Phố Hiến từ xa xưa, với cảnh tấp nập “trên bến, dưới thuyền”, sự phồn hoa đô hội của thương cảng Phố Hiến một thời. Tại lễ hội, các hoạt động thuộc phần lễ đang được thành phố Hưng Yên nỗ lực phục dựng lại các nghi thức tế, lễ truyền thống nhằm tạo không gian văn hóa riêng. Phần hội là các hoạt động sôi nổi, náo nhiệt với những trò chơi dân gian như: Đi cầu Kiều, kéo co, thả diều sáo, chọi gà, thả diều sáo… Đến với Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, bạn sẽ được trải nghiệm, khám phá các giá trị văn hóa lịch sử, thưởng thức các đặc sản ẩm thực nổi tiếng (mật ong, long nhãn…), tận hưởng không khí trong lành, yên bình của một mảnh đất được mệnh danh là “xứ nhãn”.
4.Lễ hội đền Đậu An
Nguồn: Du lịch Hưng Yên
Lễ hội đền Đậu An được tổ chức từ ngày 6 đến 12 tháng 4 âm lịch. Trong đó ba ngày 6, 7, 8 là ngày hội chính. Ngày 6 là ngày khai hội – ngày nhân dân tổ chức dâng hương bái yết Ngọc Hoàng. Ngày 7, cũng được diễn ra long trọng, trang nghiêm, các kiệu thờ được rước vùng quanh làng. Ngày 8, được coi là ngày hội lớn nhất của Lễ hội Đậu An, người dân trẩy hội đông nhất.
Trong lễ hội, còn có nhiều trò chơi hấp dẫn như múa lân, trọi gà, cờ tướng, hát quan họ,… mang đậm màu sắc dân gian truyền thống.
5.Lễ chùa Tứ Pháp
Nguồn: Dulichvietnam
Chùa Tư Pháp thuộc huyện Mỹ Văn, thờ bốn bà Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Lễ hội chùa Tư Pháp được tổ chức vào ngày 8 tháng 4 âm lịch hằng năm. Lễ hội có cuộc rước lớn giữa các làng thờ ba bà Vân, Vũ, Lôi đến với bà Điện (ở chùa Un, làng Ôn Xá). Đây cũng là lễ hội cầu mưa.
Cũng giống như các lễ hội của cư dân nông nghiệp, lễ hội cầu mưa là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn liền với đời sống tinh thần của người làm nông nghiệp. Là lễ hội được bắt nguồn từ nông nghiệp và phục vụ mục đích nông nghiệp nên trong tâm thức của người nông dân, mở hội cầu mưa cũng là một công việc cần thiết và quan trọng như bất kỳ khâu sản xuất nào.
Dạo một vòng quanh Hưng Yên trong mùa lễ hội với nét riêng độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, độc giả hẳn càng thêm yêu mến và mong muốn được một lần ghé thăm để hòa chung không khí tưng bừng, náo nhiệt của mảnh đất giàu truyền thống văn hóa – lịch sử này.