TIN NỔI BẬT


ĐẠI HỌC PHẢI NGHIÊN CỨU

Đại học phải nghiên cứu

(vnexpress.vn) “Anh coi như đã tốt nghiệp được rồi” – GS Kenichi Ohno nói với tôi.

Đó là năm thứ hai tôi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Kinh tế, Đại học Kyushu (Nhật Bản). Tôi vừa có một nghiên cứu được chấp nhận xuất bản bởi tạp chí ASEAN Economic Bulletin (Singapore). Với nghiên cứu này, tôi được GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản, một nhân vật quen thuộc với giới làm chính sách hay học thuật ở Việt Nam, mời đến viện để trình bày.

Khi biết nghiên cứu của tôi sắp được xuất bản, ông đồng nhất chuyện đó với “tốt nghiệp”.

Ở khoa Kinh tế Đại học Kyushu, điều chủ chốt giúp nghiên cứu sinh tiến sĩ tốt nghiệp được và sớm (3 năm thay vì 5-7 năm) hầu hết là do có nghiên cứu được công bố trên những tạp chí khoa học hàng đầu. Vẫn thường xuyên có những người “ăn dầm nằm dề” ở khoa, thậm chí đến cả dăm bảy năm hoặc hơn mà chưa tốt nghiệp được. Ngược lại, khi một nghiên cứu sinh xuất bản được một nghiên cứu thì không chỉ con đường theo đuổi học vấn được rộng mở, mà họ còn nhận được sự tôn trọng pha chút ganh tị của những người xung quanh.

Nhờ xuất bản được một số tác phẩm nên tôi được trường giữ lại làm giảng viên chính thức, dù vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện luận văn tốt nghiệp. Đồng nghiệp nói, trường hợp tương tự rất hiếm ở nơi này.

Nhìn rộng ra, trong giới làm nghiên cứu, giảng dạy tại các đại học và đơn vị học thuật, điều làm nên sự khác biệt giữa các cá nhân cũng như giữa các trường chính là thành tích nghiên cứu. Trang chủ của bất cứ đại học có thứ hạng nào trên thế giới đều giới thiệu trang trọng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên với lí lịch học thuật, liệt kê các nghiên cứu đã công bố, các cuốn sách đã xuất bản.

Suy cho cùng, điều gì chứng nhận được, thước đo nào phản ánh chính xác trình độ học thuật, uy tín và danh tiếng của cá nhân, của trường tốt hơn các công trình nghiên cứu đã công bố của họ?

Một nhóm tác giả độc lập tại Việt Nam mới đây công bố bảng xếp hạng 49 đại học ở Việt Nam. Bảng xếp hạng này đã làm xôn xao dư luận bởi một số trường bấy lâu nay vẫn được coi là hàng đầu thì nay đứng ở hạng trung hoặc bét. Kết quả này, theo giải thích của nhóm tác giả, là do sự hiện diện trên các ấn phẩm khoa học quốc tế của những trường được coi là hàng đầu này lại không cao.

Trọng số của tiêu chí nghiên cứu khoa học (và công bố trên các ấn phẩm khoa học quốc tế) của nhóm này trong xếp hạng lên tới 40%.

Nhìn ra thế giới, tổ chức xếp hạng đại học World University Rankings gán trọng số tới 30% cho nghiên cứu. Đồng thời, số lượng các nghiên cứu công bố của trường được trích dẫn trên thế giới (cho biết tầm ảnh hưởng và đóng góp của các nghiên cứu của trường đến kho tàng trí thức nhân loại) cũng được gán trọng số tới 30%. Ngoài 2 chỉ tiêu này, chỉ có giảng dạy (hoặc môi trường học tập) mới được gán trọng số 30%.

Cách dùng các chỉ tiêu như trên cho thấy nghiên cứu và các yếu tố liên quan đóng vai trò quan trọng đặc biệt, có thể nói là chi phối trong định vị thứ hạng của các đại học.

Tôi tin rằng nếu áp dụng bộ chỉ tiêu quốc tế cho đại học Việt Nam, thay vì nhóm xếp hạng độc lập kia, thì cũng ra kết quả tương tự. Nói cách khác, một số đại học và học viện bấy lâu nay ở Việt Nam tuy vẫn là “hàng hot”, thu hút đông đảo sinh viên với điểm tuyển vào cao ngất ngưởng nhưng chắc chắn sẽ có thứ hạng rất xoàng vì thành tích nghiên cứu nghèo nàn.

Thực tế này nên được thừa nhận một cách thẳng thắn và dũng cảm. Nếu không, các đại học chỉ mãi là “lò” dạy học sinh lớp 13+.

Và chúng ta sẽ đeo đuổi các khái niệm “nền kinh tế tri thức”, “cách mạng 4.0” ra sao, sẽ thay thế sức lao động giá rẻ bằng giá trị gia tăng thế nào nếu các cơ quan nghiên cứu không làm nổi chức năng tri thức của họ?

Phan Minh Ngọc

(Chuyên gia kinh tế)

Nguồn: vnexpress.vn



Trả lời

Call Now